Chức năng Quốc_hội_Hoa_Kỳ

Bài viết này là một phần của loạt bài về
Chính trị Hoa Kỳ

Nghị sĩ Quốc hội thường đệ trình các dự luật theo yêu cầu của những nhóm vận động hành lang (lobbyist). Các nhóm này vận động để thông qua hoặc bác bỏ các dự luật ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Trong một số trường hợp, các nhóm này soạn thảo dự luật và nhờ một nghị sĩ đệ trình. Các nhóm vận động hành lang quốc hội phải đăng ký vào cơ sở dữ liệu trung ương. Những nhóm vận động hành lang làm việc cho các tổ chức chính trị, các công ty, chính quyền bang, chính quyền nước ngoài và nhiều nhóm khác. Năm 2005, có đến 35 000 người vận động hành lang đã đăng ký, gấp đôi số lượng năm 2000.[3] Nhiều nhà vận động hành lang nổi trội từng là thành viên quốc hội, những người khác có thân nhân là các nghị sĩ đương nhiệm, điển hình là Harry Reid, Dennis Hastert, cựu Dân biểu Tom DeLay, và Roy Blunt đều có người thân trong gia đình đang làm việc các nhóm vận động hành lang.[4]Thành viên của cả hai viện đều có thể đệ trình dự luật, nhưng hiến pháp quy định "Tất cả dự luật nhằm nâng cao lợi tức phải xuất phát từ Viện dân biểu". Vì vậy, Thượng viện không có quyền đề xuất luật đánh thuế. Hơn nữa, Viện dân biểu cho rằng Thượng viện cũng không có quyền đệ trình luật ngân sách liên bang. Dù Thượng viện tỏ vẻ nghi ngờ về cách giải thích này của Viện dân biểu, mỗi lần Thượng viện trình luật ngân sách đều bị Viện dân biểu từ chối xem xét. Mặc dù không được đệ trình các dự luật này, Thượng viện lại có quyền sửa đổi hay bác bỏ chúng.

Mỗi dự luật đều phải trải qua một số giai đoạn tại mỗi viện; trước tiên, nó phải được xem xét bởi một uỷ ban. Các trình tự lập pháp phải được xem xét bởi các uỷ ban thường trực, mỗi uỷ ban có thẩm quyền trong một lãnh vực riêng biệt chẳng hạn như nông nghiệp hay ngân sách. Viện dân biểu có 20 uỷ ban thường trực, trong khi con số này tại Thượng viện là 16. Trong một số trường hợp, các dự luật có thể được đệ trình các uỷ ban đặc biệt (xem xét các lãnh vực chuyên môn hẹp hơn các uỷ ban thường trực). Các uỷ ban được phép tổ chức các cuộc điều trần và thu thập chứng cớ khi xem xét các dự luật. Các uỷ ban cũng có thể sửa đổi dự luật, nhưng chỉ có toàn thể Thượng viện hoặc toàn thể Viện dân biểu mới có quyền chấp nhận hoặc bác bỏ các dự luật. Sau khi xem xét và thảo luận, uỷ ban sẽ bỏ phiếu quyết định xem có nên trình dự luật trước toàn viện hay không. Khi được đệ trình bởi uỷ ban, dự luật sẽ được xem xét bởi toàn viện. Tại đây, dự luật có thể bị sửa đổi (quy trình này có thể khác biệt đôi chút giữa hai viện). Cuối cùng là biểu quyết.

Các chính đảng thường không thể kiểm soát cách bỏ phiếu của các nghị sĩ của hai viện Quốc hội. Thanh danh cá nhân, tiến trình gây quỹ bầu cử, và chiến dịch vận động tranh cử đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tuyển cử; chỉ có sự ủng hộ từ đảng phái chính trị là không đủ. Vì các nghị sĩ không muốn dựa vào sự ủng hộ của các tổ chức đảng, họ thường tỏ ra độc lập với giới lãnh đạo đảng. Vì vậy giới lãnh đạo đảng tại quốc hội thường áp dụng chiến thuật "bắt và thả", để có thể thông qua những dự luật quan trọng cần đến sự ủng hộ của các nghị sĩ thiếu hợp tác. Họ sẽ "bắt" một nghị sĩ, áp lực người này ủng hộ thông qua dự luật, ngay cả khi nó không được cử tri của nghị sĩ này ưa thích. Rồi thì, sau khi đủ phiếu để thông qua, họ sẽ "thả", để người này tự do lựa chọn lập trường cho mình khi biểu quyết. Bằng cách này, các nghị sĩ có thể tránh gây ác cảm với các nhóm quyền lợi đặc biệt thường có nhiều ảnh hưởng, trong khi vẫn tỏ ra trung thành với đảng của mình.

Một khi một dự luật được thông qua tại một viện, nó sẽ được gởi đến viện kia; tại đó, nó có thể được thông qua, hoặc bị bác bỏ, hoặc bị sửa đổi. Để một dự luật có thể trở thành luật, cả hai viện phải đồng thuận về văn bản của dự luật. Nếu dự luật đã bị sửa đổi, thì một uỷ ban thương thảo sẽ vào cuộc (thành phần bao gồm thành viên của cả hai viện), và cố soạn ra một văn bản chung để trình hai viện; nếu được thông qua, nó sẽ thành luật; còn ngược lại, xem như thất bại. Tổng thống Ronald Reagan đã có lần nhận xét cách châm biếm "Nếu đem một quả cam và một quả táo giao cho uỷ ban thương thảo, họ sẽ cho ra một quả lê".[5]

Sau khi được thông qua tại hai viện, dự luật sẽ được trình tổng thống. Tổng thống có thể chọn ký ban hành, nó sẽ trở thành luật; hoặc tổng thống có thể chọn phủ quyết, gởi trả về Quốc hội kèm theo lời phản kháng. Trong trường hợp này, dự luật chỉ có thể trở thành luật nếu cả hai viện biểu quyết với hai phần ba số phiếu để vô hiệu hoá sự phủ quyết của tổng thống. Sau cùng, còn có một chọn lựa khác cho tổng thống, là không làm gì hết, không ký ban hành, cũng không phủ quyết. Trong trường hợp này, Hiến pháp có quy định dự luật sẽ tự động trở thành luật sau mười ngày (không tính ngày chủ nhật). Tuy nhiên, nếu quốc hội chấm dứt kỳ họp trong mười ngày này, dự luật sẽ không thể trở thành luật. Vì vậy, tổng thống có thể phủ quyết một dự luật được thông qua vào cuối kỳ họp của quốc hội bằng cách lơ nó đi; thủ thuật này được gọi là pocket veto.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quốc_hội_Hoa_Kỳ http://www.cbsnews.com/stories/2003/06/24/politics... http://zeenews.india.com/Nation/ng%C3%A0y http://www.infoplease.com/spot/womensfirsts1.html http://www.signonsandiego.com/news/politics/200512... http://www.thegreenpapers.com/Hx/SessionsExplanati... http://www.washingtonpost.com/ac2/wp-dyn?pagename=... http://www.congress.gov http://files.eric.ed.gov/fulltext/ED450062.pdf http://bensguide.gpo.gov/9-12/lawmaking/index.html http://www.house.gov/